Vừa qua, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thị xã Hoài Nhơn đã phối hợp với Văn phòng Dự án Rau an toàn Bình Định và chính quyền địa phương đã thực hiện mô hình trình diễn “Phòng trừ ruồi đục quả trên cây khổ qua” vụ Thu Đông năm 2020 tại khu phố Trung Hóa , phường Tam Quan Nam (thị xã Hoài Nhơn).
Đang thu hoạch khổ qua, ông Hoàng Đôn Tự (người trực tiếp thực hiện mô hình) vui vẻ chia sẻ: “khi tham gia mô hình, ngoài được hỗ trợ một số vật tư, chúng tôi được tập huấn hai lần (khi cây khổ qua bắt đầu ra hoa đậu quả và khi cây khổ qua cho thu hoạch rộ). Trước đây, bà con trồng khổ qua chúng tôi thường sử dụng các loại thuốc hóa học có mùi hôi, độc cao hỗn hợp với để diệt trừ ruồi đục quả, nhưng nay nhờ áp dụng phương pháp phòng trừ ruồi đục quả trên cây khổ qua bằng chế phẩm sinh học Ento-Protheo sự hướng dẫn của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thị xã Hoài Nhơn, vừa tiết kiệm thời gian, công sức, an toàn với người đi phun thuốc và đặc biệt là sản phẩm làm ra được thị trường chấp nhận, có bao nhiêu thương lái đến tận ruộng thu mua hết bấy nhiêu”.
Theo ông Mạch Đình Đồng, cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn thực hiện mô hình cho biết: Nông dân tham gia mô hìnhsử dụng chế phẩm sinh học Ento-Prophòng trừ ruồi đục quả khổ qua được tập huấn 02 lần/vụ về quy trình sử dụng bã Prôtêin phòng trừ ruồi đục quả từ khâu chuẩn bị dụng cụ, cách pha chế dung dịch mồi nhử gồm chất dẫn dụ Ento-Prokết hợp với thuốc diệt côn trùng và chất bám dính; kỹ thuật phun và thời gian phun. Cách pha trộn bã Prôtêin theo tỷ lệ: 100ml Entro Prôtêin hòa với 1 lít nước sạch cộng với 0,8-1ml thuốc Radiant 60SC (thuốc sinh học gây độc dạ dày côn trùng) và 4-6 gam bột Guar gum (phụ gia thực phẩm có tác dụng giúp dung dịch bả mồi quánh lại thành chất keo), đợi 5 – 10 phút để tạo chất keo và tiến hành phun trên ruộng khổ qua. Việc phun dung dịch bả mồi cũng phải được thực hiện đúng quy trình, phun cách đoạn với khoảng cách 2 – 3 mét/1 điểm và ở độ cao ngang vai, phun ở mặt dưới lá và phun mỗi tuần 1 lần cho đến khi thu hoạch.
Đánh giá về hiệu quả của mô hình sử dụng chế phẩm sinh học Ento-Prophòng trừ ruồi đục quả khổ qua, bà Trương Thị Thúy Ức, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thị xã Hoài Nhơn, cho rằng: Việc áp dụng quy trình kỹ thuật sử dụng dung dịch bả Protein (theo Quy trình hướng dẫn của Dự án Rau an toàn tỉnh Bình Định) phun vào bên dưới lá cây khổ qua đã cho hiệu quả rất tốt. Ruộng khổ qua sử dụng chế phẩm sinh học Ento-Pro, có tỷ lệ bị hại chỉ còn dưới 5%, giảm từ 10-20% so với ruộng khổ qua đối chứng (sử dụng các biện pháp hóa học để phòng trừ sâu hại). Thông qua mô hình đã đào tạo cho một số nông dân nắm rõ quy trình kỹ thuật phòng trừ ruồi đục quả khổ qua bằng chế phẩm sinh học Ento-Pro và đủ khả năng hướng dẫn lại cho các nông dân khác thực hiện.Do năng suất tăng, chi phí (thuốc bảo vệ thực vật và công lao động) ở ruộng mô hình thấp nên lợi nhuận tăng hơn một triệu đồng/sào 500m2 so với ruộng đối chứng. Không những mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất mà còn góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe con người và đặc biệt là đã tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng./.
Tác giả bài viết: Đinh Văn Toại
Ý kiến bạn đọc