Từ năm 2006 đến nay, UBND huyện Tây Sơn cũng đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho 1.674 hộ dân với diện tích gần 3.000 ha, giúp người dân yên tâm, có trách nhiệm với diện tích rừng trồng. Đến nay, rừng trồng các năm đầu triển khai DA đã cho khai thác đạt năng suất, sản lượng khá cao, bình quân từ 85-120 tấn/ha, cá biệt có hộ thu hoạch với sản lượng 130-140 tấn/ha, cho thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng/ha.
Tây Xuân là một xã có diện tích rừng trồng DA WB3 khá lớn, đã mang lại hiệu quả tích cực về kinh tế và môi trường. Ông Nguyễn Đình Chương, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Xuân, cho biết: Tây Xuân tham gia DA từ năm 2007 đến nay, với 188 hộ, trồng được trên 354 ha. Bà con đánh giá hiệu quả kinh tế của DA WB3 rất cao, thực tế đã cho thu nhập bình quân từ 60 đến 100 triệu/ha, cá biệt có hộ thu nhập đạt 100 đến 120 triệu đồng/ha. Ngoài việc tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm cho người dân, DA WB3 đã góp phần tạo môi trường xanh sạch trên địa bàn.
Những năm gần đây, rừng trồng WB3 ở thôn Hòa Thuận (thôn đặc biệt khó khăn của xã Tây Thuận) đã giúp bà con địa phương có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Ngoài việc tạo được nguồn thu nhập từ rừng, bà con còn tận dụng diện tích rừng trồng để nuôi bò dưới tán rừng khá hiệu quả. Tổng diện tích rừng trồng của thôn hiện nay khoảng 410 ha. Năm 2014, bà con trồng rừng thôn Hòa Thuận khai thác được hơn 3.200 tấn gỗ nguyên liệu từ rừng trồng, giá trị thu được trên 3,2 tỉ đồng. Rừng trồng còn góp phần cải thiện môi trường tự nhiên, giữ tài nguyên đất và nước của địa phương. Ông Trương Hồng Sanh, Trưởng thôn Hòa Thuận, cho biết thêm: DA WB3 tạo điều kiện cho bà con xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm tại chỗ... Đến nay rừng cộng đồng đảm bảo giữ tài nguyên nước cũng như tạo điều kiện phục hồi môi trường sinh thái ở địa phương.
Từ hiệu quả kinh tế và những tác động tích cực của rừng đối với môi trường sinh thái. Có thể nói, trồng rừng đang là hướng đi đầy triển vọng đối với huyện Tây Sơn.
Tác giả bài viết: HOÀNG CHI
Ý kiến bạn đọc