Hiệu quả thiết thực từ rừng
Thời gian qua, hầu hết các DN lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đều có những nỗ lực trong công tác QL-SDĐ, phát triển rừng và khai thác rừng trồng hiệu quả. Ông Hồ Văn Bình, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, cho biết, DN hiện đang quản lý, sử dụng trên 10.395 ha đất rừng, trong đó đã được cấp Giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất (QSDĐ) trên 10.019 ha. Từ khi được UBND tỉnh giao đất rừng, Công ty đã QL-SDĐ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất có hiệu quả. Công ty đã giao khoán 544 ha cho 158 hộ dân quản lý, bảo vệ; liên kết trồng rừng với 59 hộ, nhóm hộ dân sinh sống tại địa bàn có rừng, tạo sinh kế ổn định cho bà con. Về hiệu quả kinh tế, nếu như năm 2010 doanh thu của Công ty trên 19,3 tỉ đồng, lợi nhuận gần 2,2 tỉ đồng, nộp ngân sách 320 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người 2,2 triệu đồng/tháng; thì đến năm 2014 doanh thu đã tăng lên trên 41,4 tỉ đồng, lợi nhuận trên 7,4 tỉ đồng, nộp ngân sách gần 2,33 tỉ đồng, thu nhập bình quân đầu người 7 triệu đồng/tháng.
Theo ông Võ Văn Cường, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn (LNSK), DN hiện đang quản lý, sử dụng trên 28.105 ha đất, trong đó, trên địa bàn tỉnh Bình Định trên 27.884 ha và tỉnh Gia Lai gần 222 ha, hầu hết là đất lâm nghiệp. Từ năm 2004 đến nay, công tác QL-SDĐ của DN đã đạt được hiệu quả, nhất là về kinh tế. Riêng năm 2014 doanh thu của Công ty đạt 29,7 tỉ đồng, lợi nhuận 2,3 tỉ đồng, nộp ngân sách gần 4,2 tỉ đồng.
Tương tự 2 DN trên, hoạt động của Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh thời gian qua cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Theo ông Cái Minh Tùng, Giám đốc công ty, hiện DN đang quản lý, sử dụng gần 18.778 ha diện tích rừng và đất rừng. 10 năm qua (2004-2014), bình quân tổng doanh thu của DN đạt trên 17 tỉ đồng/năm; lợi nhuận trước thuế đạt trên 1,3 tỉ/năm; thu nhập đạt 60 triệu đồng/người/năm; nộp ngân sách đạt gần 2,4 tỉ đồng/năm; doanh thu bình quân hàng năm tăng từ 15% đến 20%.
Để rừng thật sự là vàng
Có thể nói, hiệu quả công tác QL-SDĐ phát triển rừng và khai thác rừng trồng của các DN lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua là rất đáng ghi nhận; song việc thực thi pháp luật về QL-SDĐ vẫn còn những tồn tại, hạn chế, vướng mắc. Xung quanh vấn đề này, ông Hồ Văn Bình thừa nhận: Tình hình lấn chiếm, tranh chấp đất rừng giữa DN và người dân mặc dù không nhiều nhưng vẫn còn. Đáng lo ngại là tình trạng người dân đốt nhang, đốt vàng mã, đốt ong lấy mật, gây ra nhiều vụ cháy rừng; trong đó có vụ cháy rừng nghiêm trọng xảy ra tại núi Bà Hỏa - TP Quy Nhơn vào tháng 8.2014, làm thiệt hại gần 70 ha rừng phòng hộ.
Còn theo ông Võ Văn Cường, tình trạng lấn, chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh và địa bàn giáp ranh với tỉnh Gia Lai diễn biến phức tạp. Trong đó, riêng diện tích đất mà dân lấn chiếm trái phép của BQL Rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh và Công ty Sông Kôn chiếm trên 717 ha. Bên cạnh đó là tình trạng phá rừng, cháy rừng, trong đó có 76 vụ phá rừng trái phép để làm nương rẫy, với diện tích thiệt hại là gần 1.099 ha.
Tương tự, đối với Công ty Hà Thanh, theo ông Cái Minh Tùng, tình hình lấn chiếm đất đai diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, cùng với tình trạng phá rừng, cháy rừng. Đáng lưu ý, theo lãnh đạo các DN lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, mặc dù công tác QL-SDĐ, trồng, phát triển và khai thác rừng trồng còn nhiều tồn tại, khó khăn, song để chấn chỉnh, xử lý không hề đơn giản. Bởi lẽ, những cơ sở pháp lý giải quyết đất tranh chấp và quản lý đất đai vẫn còn không ít bất cập. Đồng thời, vẫn chưa có chế tài, hoặc chế tài chưa đủ mạnh để xử lý những trường hợp lấn, chiếm đất rừng trái phép; chặt phá, đốt rừng làm nương rẫy.
Xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác QL-SDĐ, trồng, phát triển và khai thác rừng trồng trong tương lai, tại các buổi làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và HĐND tỉnh mới đây, lãnh đạo các DN lâm nghiệp đã đề xuất, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các cơ sở pháp lý trong việc giải quyết đất tranh chấp và quản lý đất đai, đất rừng; đề nghị quan tâm đến cơ chế chính sách, nhất là chính sách đất lâm nghiệp, chính sách tín dụng, chính sách bồi thường khi thu hồi rừng và đất rừng, chính sách về đầu tư cho quản lý và bảo vệ rừng...
Tác giả bài viết: VIẾT HIỀN
Ý kiến bạn đọc