Bước chuyển quan trọng
Sau 2 năm thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo Quyết định số 899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, SXNN tỉnh ta đã tạo được bước chuyển quan trọng theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng, góp phần duy trì tăng trưởng sản xuất, kinh doanh của toàn ngành, bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt mức tăng trưởng 5,8%.
Chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng trong SXNN đạt kết quả tích cực, đã hình thành hàng ngàn mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi trên các lĩnh vực; đã và đang triển khai các mô hình đối tác công tư từ sản xuất đến tiêu thụ, thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp tại các địa phương. Toàn tỉnh hiện có 95 trang trại các loại (81 trang trại chăn nuôi heo và 10 trang trại gia cầm, 1 trang trại trồng trọt, 3 trang trại lâm nghiệp); 4.589 gia trại, gồm 3.530 gia trại chăn nuôi heo và 1.059 gia trại gia cầm. Mục tiêu đến năm 2020, Bình Định sẽ có 250 trang trại, 9.400 gia trại. Doanh thu bình quân của các trang trại hiện nay đạt 2,6 tỉ đồng/năm; lợi nhuận bình quân 150 triệu đồng/năm.
Việc phát triển các ngành nghề, làng nghề ở nông thôn theo chuỗi giá trị gia tăng và bền vững. Toàn tỉnh có 66 làng nghề với trên 5.000 hộ trực tiếp tham gia sản xuất. Thu nhập trong các cơ sở ngành nghề nông thôn, làng nghề tùy theo từng huyện, từng vùng dao động từ 1,5-3,5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Định hướng của tỉnh là phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Chú trọng đến việc quy hoạch các vùng nuôi tôm áp dụng công nghệ cao (CNC); thu hút các tổ chức, cá nhân có năng lực về tài chính và công nghệ vào đầu tư. Tỉnh ta đã quy hoạch vùng nuôi tôm áp dụng CNC tại xã Mỹ Thành (Phù Mỹ) với diện tích 460 ha, và vùng nuôi tôm áp dụng CNC tại xã Cát Thành (Phù Cát), diện tích 150 ha. Hiện nay, ngoài Tập đoàn Việt - Úc đã và đang đầu tư xây dựng khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao tại vùng nuôi tôm CNC ở Mỹ Thành, còn có một số doanh nghiệp khác cũng đã được tỉnh chấp thuận cho triển khai dự án nuôi tôm thương phẩm ứng dụng CNC tại xã Cát Hải và Cát Thành (huyện Phù Cát).
Tỉnh tiếp tục phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại gắn với đảm bảo an toàn dịch bệnh, tăng hiệu quả chăn nuôi. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trong nông hộ giai đoạn 2015-2020 với tổng vốn đầu tư trên 6.254 tỉ đồng.
Với lĩnh vực trồng trọt, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã đạt được những kết quả bước đầu, các tiến bộ khoa học, công nghệ sinh học về giống cây trồng, phân bón, chế phẩm sinh học, kỹ thuật canh tác mới được áp dụng rộng rãi trong sản xuất; nhiều mô hình, công thức luân canh thực hiện trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương. Năm 2015, toàn tỉnh đã chuyển đổi trên 4.000 ha, trong đó, chuyển trên 1.500 ha đất trồng màu kém hiệu quả sang trồng bắp, dưa, ớt, rau màu; chuyển đổi trên 2.500 ha đất sản xuất lúa thiếu nước sang cây trồng cạn đã mang lại hiệu quả cao hơn.
Cũng trong năm 2015, toàn tỉnh thực hiện 265 cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm, bắp lai, đậu phụng chất lượng cao. Thông qua các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, nông dân được doanh nghiệp ứng trước giống, phân bón, thuốc trừ sâu, hỗ trợ kiến thức về kỹ thuật sản xuất, thông tin về thị trường tiêu thụ, đem lại hiệu quả thiết thực.
Hướng đến chuỗi giá trị bền vững
Nhìn chung, nếu như trước năm 2010, SXNN tăng trưởng chậm và thiếu bền vững, các mô hình sản xuất hàng hóa, hình thức tổ chức SXNN còn rất ít, thì trong 5 năm trở lại đây, SXNN tỉnh nhà đã có những chuyển biến rõ rệt, liên tục tăng trưởng với tốc độ cao. Tuy nhiên, khách quan nhìn nhận, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành nông nghiệp Bình Định vẫn chủ yếu là sản xuất quy mô nhỏ, thiếu vốn và công nghệ tiên tiến, hạn chế về trình độ lao động và nguồn nhân lực, chất lượng và sức cạnh tranh nhiều sản phẩm còn thấp, môi trường chính sách chưa hoàn thiện, đầy đủ.
Những hạn chế nói trên là thách thức không nhỏ trong quá trình hội nhập.Và cần nhận thức rõ các thách thức khi thực hiện các hiệp định thương mại, trong cùng một sân chơi, một luật chơi, không thể để hàng vạn hộ nông dân nhỏ lẻ của tỉnh cạnh tranh trong thế yếu với các doanh nghiệp lớn cả trong và ngoài nước.
Theo bà Trần Thị Thu Hà, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cần tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh, có thị trường để ứng dụng công nghệ cao. Trong thời gian tới, cần tiếp tục phát huy những kết quả bước đầu của việc tái cơ cấu nông nghiệp theo mô hình tăng trưởng mới; tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế, các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực, quyết tâm thực hiện thành công tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, công nghệ cao, gắn với xây dựng nông thôn mới, với nội dung cốt lõi là phát triển các chuỗi liên kết sản xuất hiệu quả, hướng đến chuỗi giá trị bền vững.
Tác giả bài viết: ĐINH VĂN TOẠI
Ý kiến bạn đọc