Và thực tế cho thấy, thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên lĩnh vực trồng trọt đã mang lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia. Nông dân rất phấn khởi bởi sản phẩm làm ra được DN mua với giá cao. Các DN thì rộng cửa giới thiệu, quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Hiệu quả bước đầu
Trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất tập trung lúa và các loại cây trồng cạn của các địa phương, vụ ĐX 2015-2016, có nhiều DN trong và ngoài tỉnh đã “bắt tay” với các HTXNN xây dựng các cánh đồng mẫu lớn (CĐML), cánh đồng lớn (CĐL) gắn với thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Vụ ĐX 2015-2016, HTXNN 2 Nhơn Lộc (TX An Nhơn) đã phối hợp với Công ty Giống cây trồng Trung ương Quảng Nam xây dựng CĐML sản xuất lúa giống Thiên ưu 8 với 400 hộ xã viên (XV) tham gia thực hiện trên diện tích 90 ha. Tham gia chuỗi liên kết, bà con XV được DN cung cấp giống, hỗ trợ về kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn từ 1,25 - l,3 lần so giá thóc thịt tại thời điểm.
Ông Phạm Văn Lộc, Giám đốc HTXNN Nhơn Lộc 2, cho biết:. Năng suất của giống Thiên ưu 8 đạt 80 tạ/ha, cao hơn 10 tạ/ha so với ruộng đối chứng; XV lãi ròng 24,88 triệu đồng/ha, cao hơn 18 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng. Nhờ thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giống, năng lực tổ chức sản xuất của HTX được nâng cao; DN đã hỗ trợ HTX 200 triệu đồng kinh phí tổ chức chỉ đạo, thực hiện chuỗi liên kết; bà con XV có điều kiện tiếp cận và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm có chất lượng, nâng cao hiệu quả đầu tư”.
Còn ông Đỗ Tiến Sỹ, Giám đốc Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương Quảng Nam cho rằng, thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ với HTXNN 2 Nhơn Lộc là dịp tốt để công ty giới thiệu, quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Các huyện Phù Cát, Tuy Phước, Hoài Nhơn, Hoài Ân… cũng đã xây dựng được nhiều cánh đồng sản xuất lúa, bắp, đậu phụng tập trung gắn với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bà con nông dân rất phấn khởi bởi sản phẩm làm ra được DN mua với giá cao.
Ông Man Thanh Lang, ở thôn Định Thiện Đông, xã Phước Quang (Tuy Phước), cho biết: Vụ ĐX 2015-2016, tôi tham gia xây dựng CĐML sản xuất lúa giống TBR 225, áp dụng quản lý tổng hợp dịch hại trên đồng ruộng đạt hiệu quả cao; lại giảm được chi phí sản xuất. Toàn bộ sản phẩm đã được Công ty Giống cây trồng Thái Bình thu mua với giá cao hơn 1,25 lần so với giá thóc thịt tại thời điểm, nên bà con rất phấn khởi.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, vụ ĐX 2015-2016, có 7 DN trong và ngoài tỉnh tham gia xây dựng các CĐL, CĐML gắn với thực hiện liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ lúa giống, đậu phụng, bắp với tổng diện tích trên 1.200 ha. DN đều chủ động liên kết với các HTX xây dựng kế hoạch và ký kết hợp đồng; hỗ trợ kinh phí tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân và thu mua sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường tại thời điểm.
“Trợ lực” cho các đối tượng thực hiện liên kết
Ông Nguyễn Văn Trượng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Xây dựng CĐL, CĐML, gắn với thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm là một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững. Do vậy, tỉnh ta khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho các đối tượng tham gia xây dựng CĐL và CĐML gắn với thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Riêng đối với DN tham gia xây dựng CĐL, tỉnh sẽ hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện quy hoạch, cải tạo đồng ruộng, hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, hệ thống điện phục vụ sản xuất nông nghiệp trong dự án CĐL; hỗ trợ kinh phí cho DN tổ chức đào tạo và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân sản xuất nông sản theo hợp đồng.
Tổ chức đại diện nông dân tham gia CĐL được tỉnh hỗ trợ chi phí về thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, thuê máy để thực hiện dịch vụ chung cho các thành viên; được hỗ trợ kinh phí mỗi năm 2 vụ (ĐX và Hè Thu), tổng cộng hỗ trợ 4 vụ/2 năm. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ 50% chi phí tập huấn một lần cho cán bộ HTX về quản lý, hợp đồng kinh tế, kỹ thuật sản xuất; hỗ trợ kinh phí tổ chức tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân sản xuất nông sản theo hợp đồng... Nông dân tham gia thực hiện CĐL được nhà nước hỗ trợ về nhiều mặt.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Trượng, để xây dựng các CĐL, CĐML gắn với thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đạt hiệu quả, cần tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự tích cực của các HTX cùng các hội-đoàn thể và nông dân tham gia. Bởi thực tế cho thấy, địa phương nào có sự đồng thuận cao của Đảng ủy, chính quyền, các hội- đoàn thể trong quá trình triển khai xây dựng CĐL, CĐML đều đem lại kết quả tốt. Các địa phương cần có sự liên kết với các DN, nhất là đối với các DN có khả năng bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Về phía nông dân - người trực tiếp sản xuất, tạo ra sản phẩm nông nghiệp - cần chủ động, sáng tạo trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào thực tế, không nên trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, không nên quá bảo thủ với phương pháp canh tác truyền thống, có tinh thần chia sẻ kinh nghiệm và các giải pháp KHKT với cộng đồng…
Tác giả bài viết: PHẠM TIẾN SỸ
Ý kiến bạn đọc