Hiệu quả từ thực tế
Chăn nuôi GSGC theo hướng ATSH đã được ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người chăn nuôi áp dụng nhằm góp phần ngăn ngừa dịch bệnh GSGC, tăng hiệu quả chăn nuôi. Điều đáng mừng là trên địa bàn tỉnh ta đã có nhiều chủ trang trại, gia trại áp dụng phương pháp này có hiệu quả.
Bà Trần Thị Tuyết, ở xã Ân Tường Đông (huyện Hoài Ân) là một trong những hộ áp dụng tốt phương pháp chăn nuôi heo giống ATSH. Trang trại chăn nuôi của bà Tuyết có phòng sát trùng ngay cổng ra vào. Phía trong xây dựng 2 dãy chuồng nuôi heo chửa, 3 dãy chuồng nuôi heo đẻ và 4 dãy chuồng cho heo sữa, 2 dãy nhà cách ly, 1 nhà kho chứa thức ăn. Tất cả các dãy chuồng đều có hệ thống máy làm mát và hệ thống xử lý chất thải. Trang trại luôn trong trạng thái xanh, sạch, mát và đảm bảo tuyệt đối an toàn dịch bệnh. Bình quân trang trại xuất bán khoảng 1.100 con heo con giống/tháng.
Trang trại chăn nuôi 32 con heo nái sinh sản và trên 100 con heo thịt của ông Bùi Hoàng Tín ở thôn Gò Cau, thị trấn Tăng Bạt Hổ (huyện Hoài Ân) cũng áp dụng phương pháp chăn nuôi ATSH. Ông Tín cho biết: “Trang trại của tôi thực hiện quy trình nuôi khép kín và ứng dụng các tiến bộ KHKT vào chăn nuôi, như tự sản xuất con giống để nuôi heo thịt, tự phòng và điều trị bệnh, sử dụng thức ăn công nghiệp đồng thời dùng chế phẩm sinh học và bổ sung các loại rau xanh. Nhờ vậy, đàn heo luôn đảm bảo an toàn dịch bệnh, doanh thu cũng cao hơn trước”.
Tại thị xã An Nhơn, đi đầu trong chăn nuôi theo phương pháp ATSH là ông Nguyễn Văn Nam, ở Đông Bình, xã Nhơn Thọ. Trên diện tích 7 ha, ông Nam đã xây dựng các dãy chuồng để chăn nuôi gà, bò và heo, đồng thời đào thêm ao để thả cá; xung quanh trang trại trồng keo lai. Chất thải của gia súc, gia cầm được ông Nam tận dụng để nuôi cá, vừa tránh gây ô nhiễm môi trường, vừa tăng hiệu quả kinh tế; khả năng cách ly dịch bệnh cho đàn GSGC cũng rất tốt. Từ năm 2012 đến nay, gia đình ông Nam thu nhập bình quân trên 1,2 tỉ đồng/năm từ trang trại chăn nuôi.
Ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi-Thú y tỉnh, cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh có hàng ngàn hộ áp dụng tốt phương pháp chăn nuôi ATSH. Bên cạnh việc tiêm vắc-xin định kỳ cho vật nuôi, người chăn nuôi đã xây dựng các công trình khí sinh học (CTKSH) hoặc sử dụng đệm lót sinh học để giải quyết lượng chất thải, nước thải tại chỗ. Đây là phương pháp chăn nuôi thân thiện với môi trường. Thực tế cho thấy, phương pháp chăn nuôi ATSH mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ khả năng giúp vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt trong môi trường an toàn, giảm chi phí đầu vào nhờ giảm công chăm sóc, giảm tiền điện bơm nước tắm rửa vật nuôi, vệ sinh chuồng trại… Thực hiện phương pháp chăn nuôi ATSH cũng góp phần giúp các địa phương hoàn thành tiêu chí môi trường trong Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Hỗ trợ người chăn nuôi
Với gần 7 triệu gia cầm và hơn 1 triệu gia súc, tỉnh ta là địa phương có đàn GSGC lớn nhất khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Nghề chăn nuôi mang lại nguồn thu nhập quan trọng cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội các địa phương phát triển. Tuy nhiên, khách quan nhìn nhận quy mô chăn nuôi ở tỉnh vẫn còn nhỏ lẻ, chủ yếu nằm phân tán trong các khu dân cư. Một lượng lớn chất thải chăn nuôi chưa được xử lý, gây ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn. Bởi vậy, phát triển chăn nuôi GSGC theo phương pháp ATSH nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường là việc làm cần thiết.
Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hỗ trợ con giống và kỹ thuật giúp người chăn nuôi một số địa phương tiến hành nuôi theo phương pháp ATSH và xây dựng các mô hình chăn nuôi ATSH để chuyển giao cho người dân. Năm 2016, Sở NN&PTNT tiếp tục thực hiện dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (gọi tắt là DA LCASP) tại 11 huyện, thị xã thành phố với tổng vốn đầu tư trên 21 tỉ đồng. Trong khuôn khổ dự án, Sở NN&PTNT sẽ tổ chức 72 lớp tập huấn về vận hành CTKSH; xây dựng 4 mô hình thí điểm công nghệ sản xuất nông nghiệp các bon thấp và 16 lớp tập huấn, đào tạo cho nông dân ứng dụng công nghệ sản xuất nông nghiệp các bon thấp. Sở NN&PTNT cũng sẽ kiểm tra, giám sát hoạt động các công trình đã xây dựng tại các địa phương; giải ngân cho 2.100 hộ chăn nuôi đã xây dựng hoàn chỉnh CTKSH và hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi xây dựng mới 2.528 CTKSH”.
Cũng theo ông Đào Văn Hùng, để nghề chăn nuôi phát triển bền vững, chính quyền các địa phương cũng cần quy hoạch khu vực chăn nuôi xa khu dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi xây dựng các trang trại, gia trại chăn nuôi áp dụng công nghệ cao, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Người chăn nuôi cũng cần phải tìm tòi học hỏi và chủ động tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi ATSH do ngành Nông nghiệp tổ chức, đồng thời mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi ATSH, nhằm tăng hiệu quả chăn nuôi, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Tác giả bài viết: PHẠM TIẾN SỸ
Ý kiến bạn đọc