Năm 2007, địa phương có chủ trương bán những vườn điều kém hiệu quả, ông Thơm đã vay mượn vốn mua 7 ha, tập trung cải tạo, chăm sóc. Sau nhiều năm nỗ lực lao động, khai hoang vỡ hóa, vợ chồng ông tự tin với trang trại gần 11 ha dưới chân hồ chứa nước Suối Chay, gồm: 7 ha điều, 3 ha bạch đàn, 0,5 ha lúa, 0,5 ha tiêu, nuôi 17 con bò, 15 con dê...
Ông Thơm còn tận dụng nguồn nước từ các khe núi, đào ao, đắp bờ, lắp đặt đường ống dẫn nước về trang trại và sử dụng tua-bin tạo ra dòng điện để phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Thu nhập từ trang trại, sau khi trừ chi phí, mỗi năm còn lãi trên 400 triệu đồng.
Vườn điều của ông Thơm đạt hiệu quả cao nhờ sau khi thu hoạch xong được tỉa cành tạo tán; đầu mùa mưa cày xới xung quanh gốc và bón phân hỗn hợp (gồm phân chuồng, NPK, kali)…
Về kinh nghiệm chăn nuôi bò lai, ông Thơm chia sẻ: “Nên chọn bò có tầm vóc tốt, chăm sóc chu đáo; chú trọng tiêm phòng theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Nhờ vậy mà mấy năm qua, đàn bò của tôi sinh trưởng, phát triển tốt, chưa xảy ra dịch bệnh”.
Ông Thơm tâm sự: “Để có được như ngày hôm nay là cả một quá trình lao động của tôi và các thành viên trong gia đình. Tôi nhận thấy, muốn thành công, trước hết phải chọn hướng đi đúng, kết hợp với sự năng động, sáng tạo, cần cù. Quan trọng nhất là phải có niềm đam mê và quyết tâm không chịu khuất phục trước đói nghèo”.
Trang trại của ông Thơm đã giải quyết việc làm ổn định cho một số lao động tại địa phương. Không chỉ làm giàu cho mình, ông còn động viên, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người dân quanh vùng để có nhiều gia đình biết làm kinh tế, cùng làm giàu.
Theo ông Hà Văn Khương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cát Trinh: Mô hình kinh tế của ông Thơm khá đa dạng, đạt hiệu quả kinh tế cao. Hội sẽ tổ chức cho nông dân trong xã đến tham quan, học tập, để ngày càng có nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn xã.
Tác giả bài viết: LƯƠNG NGỌC TẤN
Ý kiến bạn đọc