Ông Vũ Quốc Bảo, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, cho biết: Sau gần 4 năm tính đến nay, huyện Phù Cát đã thực hiện được 187 CĐML, CĐL, có tổng diện tích hơn 10.145 ha; với hơn 30.065 lượt hộ nông dân tham gia sản xuất các loại cây trồng chính là lúa, đậu phụng, mì và bắp. Kết quả, tùy theo mỗi mùa vụ, các CĐML, CĐL đều cho năng suất cao hơn hẳn với diện tích sản xuất bên ngoài cùng chân đất và mức độ thâm canh. Trong đó, CĐML sản xuất lúa đạt năng suất từ 58 tạ/ha đến 80 tạ/ha, cao hơn so với đối chứng từ 5 - 7 tạ/ha. Trên CĐML sản xuất đậu phụng, năng suất đạt từ 38- 40 tạ/ha, so với ruộng đối chứng cao hơn 4 tạ/ha; lợi nhuận đem lại cao hơn so với đối chứng 6 đến 12 triệu đồng/ha. Nhờ đó, thu nhập của người nông dân tăng cao hơn.
Trong quá trình thực hiện CĐML, đã có một số quy trình canh tác được chuyển giao, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cây trồng. Cụ thể như: Ứng dụng đồng bộ, có hiệu quả việc đưa giống có phẩm cấp cao vào gieo trồng; chú trọng bón phân sinh học, phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh; áp dụng biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM), kỹ thuật canh tác 3 giảm 3 tăng… đã góp phần tăng hiệu quả, giảm chi phí sản xuất, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng độ phì cho đất. Qua đó tạo nhận thức cho nông dân trong tổ chức sản xuất, biết tiếp thu và mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp, khắc phục được nhược điểm sản xuất tự phát, mạnh ai nấy làm; tạo mối liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất CĐML, CĐL ở Phù Cát vẫn còn một số hạn chế: Việc quản lý, điều hành sản xuất ở một số địa phương còn chung chung, hiệu quả thấp. Thực hiện mối liên kết “4 nhà” thiếu chặt chẽ. Một số HTXNN tham gia xây dựng CĐML hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Một số hộ nông dân quen với cách sản xuất cũ, chưa tuân thủ đầy đủ quy định về CĐML, nhất là việc áp dụng các tiến bộ KHKT mới vào sản xuất còn hạn chế.
Có thể thấy rằng, thực hiện CĐML,CĐL là nhằm chuyển giao các tiến bộ KHKT sâu rộng đến tận hộ nông dân; giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế, tăng tính cộng đồng, hạn chế chênh lệch giữa các hộ nông dân trong canh tác, áp dụng kỹ thuật đồng bộ, bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian đến, huyện Phù Cát tiếp tục triển khai xây dựng CĐML, mở rộng diện tích CĐL, đặc biệt chú trọng hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi, gắn với bao tiêu sản phẩm.
Tác giả bài viết: HOÀI TRUNG
Ý kiến bạn đọc