Tăng trưởng nhiều mặt
Những năm gần đây, nhờ tác động của chính sách khuyến khích phát triển kinh tế biển, kinh tế biển của huyện Phù Mỹ tiếp tục phát huy thế mạnh, phát triển cả về khai thác, nuôi trồng và chế biến.
Cụ thể, giá trị sản xuất thủy sản năm 2015 đạt 632,3 tỉ đồng, chiếm gần 46,7% trong cơ cấu ngành nông - lâm - thủy sản; tăng 48,3% so với năm 2010. Năng lực khai thác thủy sản tiếp tục tăng, đến năm 2015 toàn huyện có 1.130 tàu thuyền, tổng công suất 204.080 CV, tăng 142.200 CV so với năm 2010. Tàu đánh bắt xa bờ có 735 chiếc, tăng 130 chiếc. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt 73.285,5 tấn, tăng 64,14%.
Bên cạnh sự vươn lên mạnh mẽ của các sản phẩm chế biến và xuất khẩu chủ lực như tôm, cá cơm khô; các mặt hàng thủy sản truyền thống của huyện như nước mắm, hải sản khô tiếp tục phát triển. Hàng năm, trên địa bàn huyện sản xuất khoảng 1,25 triệu lít nước mắm; 500 - 600 tấn cá cơm khô thành phẩm và các sản phẩm khác phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Theo ông Hà Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, để đạt được kết quả trên, huyện đã xây dựng và triển khai kế hoạch về phát triển kinh tế biển giai đoạn 2011 - 2015. Từ đó, ngành thủy sản phát triển tương đối đồng bộ về khai thác, nuôi trồng, chế biến và từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện. Đời sống ngư dân trên địa bàn huyện được cải thiện và từng bước được nâng lên.
Hướng về phía trước
Theo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Phù Mỹ lần thứ XVIII về phát triển kinh tế biển giai đoạn 2016 - 2020, mục tiêu quan trọng nhất là giá trị sản xuất thủy sản chiếm 46,3% trong cơ cấu ngành nông - lâm - thủy sản. Tổng sản lượng khai thác thủy sản đạt 75.000 tấn và có 850 tàu đánh bắt xa bờ; ổn định diện tích nuôi trồng thủy sản 1.050 ha, trong đó diện tích nuôi tôm 550 ha (diện tích nuôi tôm công nghệ cao 100 ha); sản lượng nuôi trồng thủy sản 12.300 tấn (trong đó sản lượng tôm 11.500 tấn). Diện tích sản xuất muối 108 ha, sản lượng 15.000 tấn; trong đó muối sạch 50 ha, sản lượng 6.500 tấn.
Đến năm 2020, tỉ lệ hộ nghèo các xã ven biển giảm còn dưới 5%; tỉ lệ lao động qua đào tạo, bồi dưỡng nghề đạt trên 60% so với tổng số lao động trong độ tuổi; tỉ lệ dân cư được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%.
Ông Lê Đình Giám, Bí thư Huyện ủy Phù Mỹ, nhấn mạnh: “Để đạt được những mục tiêu đó, kế hoạch đề ra các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, đáng chú ý là tập trung phát triển làng nghề, cụm công nghiệp ven biển”.
Cụ thể, đến năm 2020, sẽ hoàn thành mở rộng và đầu tư cơ sở hạ tầng làng nghề chế biến hải sản khô xuất khẩu Mỹ An; hoàn thành quy hoạch và đầu tư một số hạng mục công trình tại làng nghề chế biến thủy sản tại thôn Tân Phụng 1 (Mỹ Thọ). Đồng thời, thực hiện tốt Nghị định 67/CP và Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, góp phần tăng năng lực đánh bắt xa bờ và giảm áp lực khai thác vùng ven bờ.
Bên cạnh đó, sẽ khẩn trương hoàn thành điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể ngành thủy sản huyện Phù Mỹ phù hợp với quy hoạch của tỉnh, nhằm đảm bảo nuôi trồng thủy sản vùng ven biển theo hướng hiệu quả và bền vững; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nuôi tôm trên cát.
Phù Mỹ cũng kêu gọi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu thủy sản công nghệ cao tại xã Mỹ Thành, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện dự án nuôi trồng sản xuất, chế biến kinh doanh tôm thương phẩm. Tập trung nuôi các loại thủy hải sản có thế mạnh như: tôm thẻ chân trắng, cá chua, chình; có giải pháp phục hồi chình mun và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đầm Trà Ổ; vận động thành lập các chi hội nuôi tôm ở các xã ven biển.
Trên lĩnh vực chế biến thủy sản, huyện sẽ tiếp tục duy trì và phát triển các mặt hàng chủ lực của huyện như: cá cơm khô, nước mắm; trọng tâm là khu công nghệ cao chế biến tôm xuất khẩu của Tập đoàn nuôi tôm Việt - Úc (ở xã Mỹ Thành).
Tác giả bài viết: TRẦN THỊ MAI
Ý kiến bạn đọc