32 hồ chứa xuống cấp nghiêm trọng
Tại hồ chứa Giàn Tranh - xã Mỹ Hòa (huyện Phù Mỹ), cống lấy nước, tràn xả lũ đã bị hư hỏng; đập đất có nhiều đoạn bị xói lở sâu vào thân đập; nước đã rò rỉ qua đập. Hồ chứa nước Hố Trạnh, ở xã Mỹ Chánh, cũng có nhiều hạng mục bị hư hỏng nặng, mái thượng lưu bị xói lở hàm ếch, tràn xả lũ bị sụp gãy hoàn toàn. Hồ Dốc Đá, hồ Bàu Bạn (xã Mỹ Trinh) không an toàn khi đập đất, cống lấy nước, cống xả nước đều xuống cấp.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phù Mỹ, cho biết: Toàn huyện có 10/45 hồ chứa bị xuống cấp nghiêm trọng. Hầu hết hệ thống đập đất của các hồ chứa xung yếu trên địa bàn huyện đều không đảm bảo an toàn; đỉnh đập không đủ chiều rộng, mái thượng lưu của nhiều hồ không được lát đá bảo vệ, nên hàng năm đến mùa mưa lũ đã bị sóng đánh gây sụt mái. Ở mái hạ lưu nhiều hồ đã xuất hiện tình trạng thẩm lậu, nước thấm qua đập, vừa ảnh hưởng đến việc tích nước, vừa có nguy cơ bị sạt lở trong mùa mưa bão. Bên cạnh đó, phần tràn xả lũ của nhiều hồ chưa được xây dựng kiên cố, qua mỗi mùa mưa lũ các địa phương tiến hành xử lý tạm trên phần nền đất tự nhiên, đã gây tình trạng xói lở nặng. Hệ thống cống lấy nước của các công trình này hầu hết có kết cấu dạng bậc thang, tình trạng hư hỏng, gãy, rò nước, thấm dọc trong thân đập đang xảy ra với mức độ khác nhau.
Huyện Hoài Nhơn cũng có 5 hồ chứa (Cự Lễ- xã Hoài Phú; Giao Hội - xã Hoài Tân; Hóc Quắn - xã Hoài Sơn; Phú Thạnh - xã Hoài Hảo; Hóc Cau - xã Hoài Đức) thuộc diện xung yếu, tiềm ẩn nguy cơ sự cố trong mùa mưa bão năm nay. Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho biết:Phần lớn các hồ chứa đã được xây dựng khá lâu, trong điều kiện kỹ thuật hạn chế, qua thời gian sử dụng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, bão lũ, nên nhiều hồ bị xuống cấp, hư hỏng nặng. Do nguồn kinh phí hạn chế nên huyện chưa có điều kiện nâng cấp, sửa chữa bài bản. Khi xảy ra mưa lũ lớn, chúng tôi rất lo các hồ chứa xảy ra sự cố.
Kết quả kiểm tra của ngành Nông nghiệp tỉnh cho thấy, toàn tỉnh hiện có 32 hồ chứa nước bị hư hỏng nặng. Các địa phương đã tu sửa, gia cố tạm các hạng mục bị hư hỏng, nhưng sự đầu tư mang tính chắp vá chưa đảm bảo an toàn hồ đập khi xảy ra mưa lũ lớn. Công tác quản lý hồ chứa cũng chưa được các đơn vị chủ quản quan tâm đúng mức, nhiều chủ hồ không thực hiện việc quan trắc, ghi chép các thông số kỹ thuật của hồ chứa theo quy định.
Triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa
Để đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi (CTTL) trong mùa mưa lũ, UBND tỉnh đã yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, chính quyền địa phương nhanh chóng triển khai các phương án phòng chống lụt bão, đặc biệt quan tâm đến việc kiểm tra hệ thống đập đất, cống lấy nước, tràn xả lũ của các hồ chứa nước. Tập trung đẩy nhanh tiến độ nâng cấp các CTTL, đảm bảo vượt lũ an toàn trước ngày 31.8.
Đối với những hồ chứa bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa có kinh phí sửa chữa đồng bộ, cần thực hiện các biện pháp gia cố tạm hoặc không cho tích nước trong mùa mưa lũ để đảm bảo an toàn vượt lũ chính vụ. UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý hồ chứa nước theo đúng quy định, tổ chức điều tra, khảo sát khôi phục hồ sơ kỹ thuật, xây dựng cơ sở dữ liệu của các hồ chứa nhằm phục vụ tốt công tác quản lý, vận hành.
Ông Nguyễn Hữu Vui, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Bên cạnh việc kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn các hồ chứa nước, Sở NN&PTNT cũng đã hướng dẫn và hỗ trợ chính quyền các địa phương xây dựng phương án phòng chống lụt bão cho từng công trình cụ thể, đặc biệt chú trọng các công trình đang xây dựng và các công trình bị hư hỏng nhưng chưa có kinh phí nâng cấp, sửa chữa đồng bộ. Hiện các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc gia cố tạm các công trình hồ chứa bị hư hỏng nặng và đang xây dựng quy trình vận hành, tích nước đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.
Các địa phương đã củng cố Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm 4 tại chỗ; tổ chức trực ban 24/24 giờ khi có thông báo mưa lũ. Với các CTTL trên lưu vực sông Côn - Hà Thanh, Sở NN&PTNT chỉ đạo Công ty TNHH Khai thác CTTL tăng cường công tác quản lý, thực hiện vận hành đúng quy trình. Sở NN&PTNT cũng sẽ phối hợp với các địa phương kiểm tra quy trình vận hành, tháo nước xả lũ và tích nước đối với các công trình hồ chứa nước và xây dựng các phương án cứu hộ khi có sự cố xảy ra, với mục tiêu hạn chế thấp nhất thiệt hại cho vùng hạ lưu, đồng thời đảm bảo tích nước phục vụ cho sản xuất năm sau.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Vui, để đảm bảo an toàn cho 32 hồ chứa nước xung yếu tại các địa phương, tỉnh ta đã đề nghị Trung ương xem xét, bố trí vốn để đầu tư nâng cấp. Điều đáng mừng là có 20 công trình được Trung ương bố trí vốn đầu tư nâng cấp trong giai đoạn từ năm 2016-2020 với tổng các nguồn vốn khoảng 500 tỉ đồng. Trong đó, công trình sửa chữa cống lấy nước hồ Núi Một sử dụng nguồn vốn của Dự án Quản lý thiên tai Việt Nam (WB5); 17 công trình hồ chứa tại các huyện Phù Cát, Hoài Nhơn… sử dụng nguồn vốn của Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) và 2 công trình hồ chứa khác tại Phù Mỹ, Phù Cát được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn của Dự án Phát triển nông thôn tổng hợp miền Trung giai đoạn 2. Hiện Sở NN&PTNT đang hoàn thành các thủ tục cần thiết, đầu năm 2017 sẽ triển khai thực hiện nâng cấp các công trình nói trên.
Tác giả bài viết: PHẠM TIẾN SỸ
Ý kiến bạn đọc