Hiệu quả thiết thực
Theo BQL DA LCASP Trung ương (thuộc Bộ NN&PTNT), trong năm 2016, trên cơ sở quy định của DA và hướng dẫn của BQL, 10 tỉnh tham gia DA, trong đó có Bình Định, đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, đảm bảo mục tiêu DA. Bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về quản lý, xử lý chất thải chăn nuôi, BQL DA LCASP các địa phương đã hướng dẫn người dân đăng ký và hoàn thành các thủ tục cần thiết để được hỗ trợ xây lắp công trình khí sinh học (CTKSH). Điều đáng mừng là DA LCASP đã thu hút sự quan tâm của người dân, nên việc triển khai, thực hiện khá thuận lợi, đạt hiệu quả thiết thực. Bình Định là một trong những địa phương được BQL DA LCASP Trung ương đánh giá cao về kết quả thực hiện DA.
Theo BQL DA LCASP tỉnh, hoạt động của DA LCASP tại tỉnh ta trong thời gian qua chủ yếu tập trung hỗ trợ xây dựng, lắp đặt CTKSH cho hộ chăn nuôi có nhu cầu; tập huấn về quản lý chất thải chăn nuôi an toàn cho cán bộ và nông dân các địa phương tham gia DA. Từ năm 2014 đến nay, DA đã hỗ trợ xây lắp 5.917 CTKSH quy mô nhỏ cho người dân, vượt 2.317 công trình so với kế hoạch Trung ương giao. Riêng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xây lắp được 1.742 CTKSH.
Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Phó Giám đốc BQL DA LCASP tỉnh, cho biết: “Quá trình thực hiện DA, đội ngũ kỹ thuật viên cấp huyện thường xuyên theo dõi kiểm tra, giám sát việc xây dựng, lắp đặt CTKSH. Các hộ dân xây dựng CTKSH cũng đã nhận được kinh phí hỗ trợ (3 triệu đồng/công trình quy mô nhỏ) từ DA. Kết quả kiểm tra thực tế cho thấy, phần lớn các CTKSH đưa vào hoạt động đều đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giúp người dân phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững”.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện DA
Tại buổi làm việc với BQL DA LCASP Trung ương và Đoàn công tác ADB, BQL DA LCASP tỉnh ta cho rằng, nhu cầu xây dựng CTKSH của người dân rất lớn, song định mức hỗ trợ từ DA như hiện nay (3 triệu đồng/công trình quy mô nhỏ; 10 triệu đồng/công trình quy mô vừa và 20 triệu đồng/công trình quy mô lớn) vẫn còn quá thấp so với kinh phí xây dựng CTKSH, nên chưa thu hút sự quan tâm của người dân, nhất là những chủ trang trại chăn nuôi gia súc quy mô lớn. Lãi suất vốn vay của các ngân hàng thương mại tham gia DA mỗi nơi một khác và không theo quy định của DA về lãi suất ưu đãi cho người dân, nên số hộ vay vốn để đầu tư xây dựng CTKSH không nhiều.
“Để DA được triển khai thuận lợi và phát huy hiệu quả, cần bổ sung thêm số lượng CTKSH quy mô nhỏ và xem xét nâng mức hỗ trợ cho người dân. BQL DA LCASP Trung ương sớm triển khai hướng dẫn thực hiện các mô hình thí điểm và mô hình trình diễn nông nghiệp các bon thấp trong kế hoạch 2016, đồng thời bổ sung thêm 1 định chế tài chính là Ngân hàng Chính sách xã hội, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi được tiếp cận và vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư xây dựng CTKSH, góp phần giải quyết chất thải chăn nuôi, hạn chế ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn”- ông Đào Văn Hùng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, kiêm Giám đốc BQL DA LCASP tỉnh - đề xuất.
Ông Nguyễn Thế Hinh, Phó BQL các DA nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), kiêm Giám đốc BQL DA LCASP Trung ương, cho biết: Thời gian qua, DA đã hỗ trợ xây lắp hàng ngàn CTKSH quy mô nhỏ cho người dân. Thực tế cho thấy, thực hiện DA LCASP đã giúp địa phương quản lý tốt chất thải, phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn. Ngoài ra, các CTKSH còn tạo nguồn năng lượng sạch, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với BQL DA LCASP tỉnh triển khai các biện pháp để các hoạt động đã thực hiện phát huy hiệu quả, đồng thời xây dựng và thực hiện tốt các hợp phần của DA. Ý kiến tăng thêm số lượng CTKSH và nâng mức hỗ trợ xây dựng của địa phương là xác đáng, BQL DA LCASP Trung ương sẽ kiến nghị Bộ NN&PTNT và ADB xem xét giải quyết.
Tác giả bài viết: PHẠM TIẾN SỸ
Ý kiến bạn đọc