Hệ thống thủy lợi bị thiệt hại nặng
Công ty TNHH KTCTTL Bình Định được UBND tỉnh giao quản lý 15 hồ chứa nước lớn, 22 đập dâng trên các sông Côn, Lại Giang, La Tinh; hơn 1.000 km kênh mương các loại và hàng ngàn công trình trên kênh để phục vụ tưới tiêu khoảng 60.000 ha lúa, hoa màu mỗi năm. Đợt mưa lũ vừa qua, hệ thống thủy lợi do công ty quản lý nằm trên địa bàn các huyện: Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn… bị thiệt hại nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Công ty TNHH KTCTTL Bình Định, cho biết: Qua thống kê, đợt mưa lũ vừa qua đã gây sạt lở, cuốn trôi hơn 5.955 m3 đất đắp, 21.956 m3 đất đào, 152,5 m3 bê tông các loại, 16 m3 đá xây trên toàn bộ hệ thống thủy lợi do công ty quản lý. Nghiêm trọng nhất là hệ thống kênh tưới Văn Phong bị sạt lở 2.055 m3 đất đắp, 8.302 m3 đất đào, 77 m3 bê tông, 61 m3 bê tông tấm…; tổng giá trị thiệt hại ước tính gần 6 tỉ đồng. Hệ thống kênh mương Lại Giang cũng bị nước lũ cuốn trôi 1.300 m3 đất đắp, 770 m3 đất đào. Hệ thống kênh mương Thạnh Hòa bị sạt lở hơn 412 m3 đất đắp, 3.765 m3 đất đào. Hệ thống kênh tưới Suối Tre - Cây Gai bị sạt lở 50 m3 đất đắp, 2.550 m3 đất đào, 11 m3 đá xây, 3 m3 bê tông. Hệ thống kênh tưới Tháp Mão bị sạt lở 630 m3 đất đắp, 100 m3 đất đào… Do khối lượng đất đắp, đất đào trên hệ thống thủy lợi bị sạt lở, cuốn trôi khá lớn nên công tác khôi phục rất khó khăn, công ty đang huy động lực lượng khắc phục hậu quả, nhằm đảm bảo phục vụ tưới tiêu trong thời gian sớm nhất.
Ông Nguyễn Văn Lượng, Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi V (thuộc Công ty TNHH KTCTTL Bình Định) - đơn vị quản lý, khai thác tuyến kênh Văn Phong - cho biết: Các đợt mưa lũ lớn vừa qua đã gây sạt lở nhiều đoạn trên tuyến kênh chính Văn Phong thuộc địa bàn 2 huyện Tây Sơn và Phù Cát. Có hàng chục vị trí bị sạt lở, sụp bê tông tấm lát với chiều dài trên 80 m. Cụ thể gồm tại vị trí km5+870 - phía bờ tả bị sạt lở một đoạn dài 30m; tại km5+880 - phía bờ hữu bị sạt lở 20 m; tại km0+80 - phía bờ hữu bị sạt lở 7 m; tại km0+90 - phía bờ hữu bị sạt lở 6 m; tại km0+110 - sạt lở phía bờ hữu dài 8 m; tại km0+120 - phía bờ tả bị sụp bong bê tông dài 10 m. Để khắc phục tình trạng sạt lở kênh tưới Văn Phong, xí nghiệp đang tạm ứng trước nguồn thủy lợi phí để gia cố, khắc phục tạm.
Hệ thống thủy lợi ở các huyện: Phù Cát, Tuy Phước, Hoài Ân, An Lão, Vĩnh Thạnh… cũng đã bị thiệt hại nặng do mưa lũ. Tại Hoài Ân, hệ thống thủy lợi bị sạt lở, bồi lấp với tổng chiều dài 21,2 km, khối lượng sạt lở 12.120 m3; 128 đập tạm, đập bổi bị nước lũ cuốn trôi hoàn toàn; 20 đập dâng kiên cố bị sạt lở, bồi lấp. Mưa lũ cũng đã làm 1,27 km bờ sông Kim Sơn bị sạt lở. Tại Tuy Phước, mưa lũ làm sạt lở nghiêm trọng 36 m đê sông trên địa bàn xã Phước Quang, Phước Sơn và thị trấn Diêu Trì; hàng trăm mét kênh mương nội đồng bị bồi lấp.
Theo ông Nguyễn Văn Phú, dù công ty đã chuẩn bị rất kỹ các phương án chống lũ, nhưng trận lũ vừa qua đã làm thiệt hại nghiêm trọng hệ thống thủy lợi do đơn vị quản lý; nhiều tuyến đê, kênh mương bị bồi lấp nặng, cần hơn 10 tỉ đồng để sửa chữa, khôi phục. Hiện công ty đang chỉ đạo các xí nghiệp trực thuộc tập trung khôi phục hệ thống thủy lợi nhằm phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân sắp tới.
Khẩn trương khôi phục
Những ngày qua, Công ty TNHH KTCTTL Bình Định đã chỉ đạo các xí nghiệp trực thuộc huy động lực lượng công nhân, phối hợp với chính quyền các địa phương, tập trung hàn gắn lại những tuyến đê sông, kênh mương bị vỡ và sạt lở; đảm bảo phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Phú cho biết thêm: “Nhằm đảm bảo cho vụ sản xuất Đông Xuân được thuận lợi, công ty đã ứng trước nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí để khắc phục hậu quả lũ lụt, gia cố các tuyến kênh mương bị sạt lở. Đến nay, các đoạn đê sông, kênh mương bị vỡ đã cơ bản được hàn khẩu để có thể phục vụ tưới tiêu cho sản xuất vụ Đông Xuân. Công ty cũng đã thống kê lại mức độ thiệt hại của từng tuyến kênh mương, từng vùng sạt lở; lên kế hoạch tu sửa và báo cáo với tỉnh để có biện pháp hỗ trợ kinh phí thực hiện trong thời gian tới”.
Tại cuộc họp triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 11 mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng đã chỉ đạo Sở NN-PTNT, chính quyền các địa phương và các đơn vị quản lý thủy lợi trong tỉnh nhanh chóng triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả mưa lũ, đẩy nhanh việc gia cố, hàn khẩu các đoạn đê sông, kênh mương bị vỡ đứt, giúp người dân thuận lợi trong sản xuất vụ Đông Xuân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, bên cạnh khắc phục tạm các hư hỏng nhỏ; ngành Nông nghiệp tỉnh khảo sát thật kỹ các điểm sạt lở lớn, dự toán kinh phí tu sửa báo cáo UBND tỉnh và Bộ NN&PTNT xem xét, bố trí vốn để sửa chữa, nâng cấp trong thời gian đến.
Tác giả bài viết: NGUYỄN HÂN
Ý kiến bạn đọc