● Ông đánh giá như thế nào về mức độ thiệt hại của các CTTL do đơn vị quản lý trong các đợt lũ lụt vừa qua?
- Mùa mưa lũ năm nay, tình hình lũ lụt diễn biến hết sức phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng đến toàn bộ hệ thống đê điều, hồ chứa nước, kênh mương thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Riêng hệ thống thủy lợi do Công ty TNHH Khai thác CTTL Bình Định quản lý bị thiệt hại nặng; gồm khối lượng đất bị sạt lở, sa bồi 12.207 m3, khối lượng đất đắp bị cuốn trôi 7.547 m3, bê tông bị vỡ 220 m3, đá xây lát bị vỡ đứt 38 m3…
Trong đó, hư hại nghiêm trọng nhất là hệ thống kênh mương Văn Phong bị nước lũ cuốn trôi 2.772 m3 đất đắp, gần 1.400 m3 đất đào, 44 m3 bê tông, sạt lở 144 m3 bê tông tấm. Hệ thống kênh Lại Giang cũng bị nước lũ cuốn trôi 1.500 m3 đất đắp, 560 m3 đất đào. Hệ thống kênh mương Thạnh Hòa bị sạt lở hơn 1.041 m3 đất đắp, 3.725 m3 đất đào. Hệ thống kênh chính Núi Một bị sạt lở 728 m3 đất đắp, 1.636 m3 đất đào, 25 m3 bê tông. Hệ thống kênh tưới Suối Tre - Cây Gai bị sạt lở 183 m3 đất đắp, 308 m3 đất đào, 3 m3 đá xây, 1,7 m3 bê tông. Hệ thống kênh tưới Tháp Mão bị sạt lở 285 m3 đất đắp, 100 m3 đất đào. Ngoài ra, các đợt mưa lũ vừa qua cũng đã gây sạt lở nghiêm trọng các hệ thống kênh tưới Vạn Hội, Cẩn Hậu, Hội Sơn, Thị Lựa, Lão Tâm, Thạch Đề, Định Bình, Hòn Lập…
● Hiện nay, công tác khắc phục hậu quả lũ lụt đối với hệ thống kênh mương, thủy lợi đang được triển khai như thế nào, thưa ông?
- Trước tình hình các CTTL thiệt hại nặng nề do lũ lụt, để phục vụ công tác tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, công ty đã và đang tập trung phối hợp với chính quyền các địa phương, HTXNN, bà con nông dân và tranh thủ sự hỗ trợ của lực lượng quân đội, dân quân tự vệ, thanh niên xung kích nhanh chóng tổ chức nạo vét, sửa chữa, gia cố các đoạn kênh mương, hệ thống thủy lợi bị sạt lở. Đối với các hư hỏng lớn, công ty đã có văn bản kiến nghị Sở NN&PTNT thành lập tổ kiểm tra để thống nhất phương án khắc phục, đồng thời cho chủ trương vừa lập thiết kế dự toán vừa triển khai thi công. Trước mắt, ưu tiên sửa chữa hệ thống kênh chính Văn Phong, hệ thống kênh chính và kênh N1 - Núi Một và kênh chính Lại Giang. Đối với các hạng mục bị hư hỏng nhỏ, bồi lấp, sạt lở cục bộ, công ty vừa lập thiết kế dự toán theo đơn giá công địa phương và triển khai thi công để kịp thời phục vụ tưới tiêu cho sản xuất vụ Đông Xuân.
Đến nay, Công ty đã thống kê tình hình thiệt hại toàn bộ các CTTL và dự toán kinh phí tu sửa để báo cáo Sở NN&PTNT và UBND tỉnh. Trước mắt, Công ty đề nghị tỉnh hỗ trợ 20 tỉ đồng để khắc phục thiệt hại do lũ lụt gây ra đối với hệ thống thủy lợi, gia cố các cống lấy nước, đập dâng, kênh mương nội đồng..., nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất của nông dân.
● Hầu như năm nào mưa lũ cũng gây thiệt hại nặng cho hệ thống các CTTL, Công ty đã có giải pháp gì để đảm bảo tính bền vững các công trình trong thời gian tới?
- Trong thời gian qua, mặc dù được sự quan tâm của Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh đã đầu tư nâng cấp hoàn thiện hệ thống các hồ chứa nước, đê sông, đê biển, hệ thống kênh mương trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên, do nguồn lực đầu tư còn hạn chế nên vẫn còn nhiều CTTL bị xuống cấp. Trong khi đó, để tu sửa, nâng cấp các công trình cùng một lúc thì khó có thể thực hiện vì không đủ vốn. Do vậy, chủ trương của Công ty là hàng năm từ nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí và vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ ưu tiên tu sửa, nâng cấp các CTTL bị xuống cấp nặng, các công trình trọng yếu trước, rồi sau đó đến các công trình còn lại. Việc tu sửa, nâng cấp đòi hỏi phải đúng thiết kế kỹ thuật, đảm bảo tính bền vững, hiệu quả của mỗi công trình.
Bên cạnh đó, tranh thủ nguồn vốn tài trợ ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á, tài trợ của Cơ quan Phát triển Pháp, trong thời gian đến, đơn vị sẽ tiến hành nâng cấp, kiên cố hóa hệ thống kênh tưới Lại Giang; sửa chữa, nâng cấp hệ thống cống lấy nước, tràn xả lũ hồ chứa nước Núi Một (thị xã An Nhơn), đập chính hồ chứa nước Hội Khánh (Phù Mỹ); hệ thống kênh tưới Thượng Sơn (Tây Sơn)…
● Xin cảm ơn ông !
Tác giả bài viết: NGUYỄN HÂN (Thực hiện)
Ý kiến bạn đọc