Từ năm 2011, huyện Vân Canh đã tổ chức giao khoán chăm sóc, bảo vệ trên 17.649 ha rừng cho 21 thôn, làng nằm trong vùng Dự án giai đoạn 1 (2011-2015), có trên 1.300 hộ ÐBDTTS ở các xã: Canh Hiệp, Canh Liên, Canh Hòa, Canh Thuận, Canh Hiển và thị trấn Vân Canh tham gia. Mỗi hộ được nhận 13 ha rừng giao khoán; riêng địa bàn xã vùng cao Canh Liên và xã Canh Hiệp được nhận nhiều hơn với trên 15 ha/hộ do là vùng đặc biệt khó khăn.
5 năm qua, từ tiền công quản lý, BVR giúp bà con có thêm thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất. Bà con cũng có thu nhập từ thu lượm chò chai, bông đót, lan rừng, mật ong... đem về bán cho thương lái. Ông Ðoàn Văn Tào, ở làng Canh Tiến, xã Canh Liên, cho hay: “Bà con làng Canh Tiến xưa nay sống nhờ rừng nhưng việc thu hái lâm sản phụ không theo kế hoạch hay phương pháp nào hợp lý. Từ khi có Dự án khoán chăm sóc, BVR theo Nghị quyết 30a, bà con đã biết tận thu lâm sản phụ theo trình tự lô rừng của từng gia đình quản lý, chăm sóc, bảo vệ nên thu nhập có khá hơn”.
Thấy được lợi ích từ Dự án, bà con thường xuyên kiểm tra BVR, phát dọn đường ranh cản lửa..., nếu phát hiện dấu hiệu xâm hại rừng, báo cáo kịp thời cho Ban quản lý làng và Ban quản lý rừng phòng hộ cùng các ngành chức năng để tiến hành kiểm tra, xử lý.
Qua 5 năm thực hiện Dự án Khoán chăm sóc, BVR phòng hộ theo Nghị quyết 30a, rừng đã thật sự có chủ, được bảo vệ tốt hơn, góp phần nâng cao độ che phủ trên 69,8%, đảm bảo chức năng quy hoạch phòng hộ, đặc biệt là phòng hộ đầu nguồn, cải tạo môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học. Ngoài ra, còn hạn chế được những thiệt hại bởi lũ lụt, sạt lở đất, xói mòn đất, ô nhiễm môi trường; đồng thời tạo nguồn sinh thủy, điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất, dân sinh. Tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp, đất rừng phòng hộ và khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn huyện đã giảm đáng kể.
Ông Ðoàn Văn Tây, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vân Canh, cho biết: “Tiếp tục thực hiện Nghị định 75 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ ÐBDTTS giai đoạn 2016-2020, huyện tiếp tục tăng hạn mức nhận khoán 30 ha/hộ; tiền công nhận khoán BVR là 400 ngàn đồng/ha/năm đối với hộ ÐBDTTS và hộ nghèo đang sinh sống tại các xã có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn thuộc khu vực II và III; mức 300 ngàn đồng/ha/năm cho hộ không thuộc diện nghèo”.
Tác giả bài viết: ÐÌNH DẶM
Ý kiến bạn đọc