Ða dạng và nhiều tiềm năng
Bình Định có bờ biển dài 134 km, có 33 đảo lớn nhỏ, 3 đầm phá ven biển… Vùng ven biển có khá nhiều hệ sinh thái (HST) đặc trưng, như: HST vùng cửa sông và đầm phá, HST rừng ngập mặn, HST rạn san hô, HST thảm cỏ biển… Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Nguồn lợi - Viện Hải dương học Nha Trang, qua khảo sát, nghiên cứu, HST rừng ngập mặn và HST rạn san hô vùng ven biển Bình Định rất đa dạng. Nét đặc trưng của HST rừng ngập mặn ở Bình Định là sản xuất ra một lượng lớn sinh khối và các chất bã, làm giàu cho môi trường ven biển, là nguồn thức ăn cho nhiều loài động vật và là nơi trú ẩn, phát triển của các loài động vật trên cạn, dưới nước. HST rạn san hô ven biển Bình Định có khoảng 108,5 ha, trong đó nhiều nhất là khu vực xã đảo Nhơn Châu, phường Ghềnh Ráng và phía Nam xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn). Các rạn san hô và dải san hô có chức năng chắn sóng tự nhiên, bảo vệ các vùng bờ thấp tránh xói mòn, góp phần vào việc bồi tích đất thông qua việc bồi đắp thêm cát vào các bãi biển. Đồng thời, rạn san hô cũng là môi trường tốt để các loài thủy sinh sinh sản, phát triển…
Thạc sĩ Nguyễn Thị Liên, Phó giám đốc Dự án “Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững - Bình Định” (CRSD), cho biết, các địa phương ven biển có nhiều tiềm năng, nhất là về nguồn lợi thủy sản, năng lực nuôi trồng, khai thác thủy sản, năng lực chế biến, xuất khẩu thủy sản; về dịch vụ hậu cần nghề cá, phát triển du lịch… Chỉ tính riêng TP Quy Nhơn, năm 2016, sản lượng thủy sản khai thác đạt 46.426 tấn, tăng 5,7% so với năm 2015. Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng về nguồn lợi vùng ven biển, vẫn còn nhiều khó khăn, tác động bất lợi đối với sự phát triển của các địa phương ven biển.
Giải pháp phục hồi, phát triển bền vững
Theo ông Nguyễn Văn Nhung, Phó chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo (Sở TN-MT), những năm qua môi trường sinh thái và đa dạng sinh học vùng ven biển Bình Định đang phải đối diện trước nguy cơ suy giảm nghiêm trọng. Do ảnh hưởng hoạt động khai thác thủy sản mang tính tận diệt bởi các nghề cấm (khai thác thủy sản bằng điện, chất nổ…), cùng với những sự cố dầu tràn và hoạt động du lịch làm hư hại các rạn san hô nên HST rừng ngập mặn, HST san hô, thảm cỏ biển và nguồn lợi thủy sản vùng ven biển ngày càng giảm sút nghiêm trọng.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Liên cho rằng, tồn tại lớn nhất đối với vùng ven biển Bình Định là sự chồng chéo trong các quy hoạch. Mặc dù hầu hết các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã có các quy hoạch từ tổng thể đến chi tiết, song hầu hết các quy hoạch đều rơi vào tình trạng bị chia cắt trong sơ đồ quản lý. Các quy hoạch khai thác, quản lý và sử dụng tài nguyên biển và ven biển vẫn còn mang nặng tính đơn ngành, thiếu sự xem xét và phối hợp chặt chẽ giữa các ngành. Từ đó làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn, như: Mâu thuẫn giữa diêm nghiệp và nuôi trồng thủy sản; mâu thuẫn giữa nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp; mâu thuẫn giữa việc bảo vệ phục hồi rừng ngập mặn và các hoạt động sản xuất; mâu thuẫn giữa lâm nghiệp với khai thác khoáng sản; mâu thuẫn giữa khai thác thủy sản truyền thống và khai thác thủy sản không bền vững; mâu thuẫn giữa du lịch và khai thác thủy sản...
Cũng theo thạc sĩ Nguyễn Thị Liên, thời gian qua, những tồn tại, bất cập nói trên đã được Ban quản lý Dự án CRSD và các nhà khoa học, nhà quản lý tiến hành khảo sát, nghiên cứu và đề ra những giải pháp khắc phục thiết thực. Về mâu thuẫn giữa diêm nghiệp và nuôi trồng thủy sản, các nhà khoa học đề xuất: Cần rà soát cập nhật lại quy hoạch thủy sản, diêm nghiệp trong mối quan hệ tích hợp với kế hoạch quản lý không gian ven bờ của tỉnh. Rà soát các chính sách của tỉnh hỗ trợ sản xuất muối; tăng cường công tác kiểm tra giám sát hoạt động xả thải của các hộ dân nuôi trồng thủy sản.
Đối với mâu thuẫn giữa nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp, cần rà soát, cập nhật lại quy hoạch thủy sản, nông nghiệp, thủy lợi trong mối quan hệ tích hợp với kế hoạch quản lý không gian ven bờ của tỉnh. Xây dựng đề án đánh giá toàn diện nguồn nước ngầm và nước bề mặt để có kế hoạch sử dụng hiệu quả hơn cho các hoạt động nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp, sinh hoạt dân cư. Trước mắt, cần xây dựng cơ chế phối hợp, thông tin chung về lịch thời vụ, lịch nuôi trồng thủy sản của các địa phương với cơ quan vận hành hệ thống thủy lợi trong việc điều tiết nguồn nước.
Còn theo ông Nguyễn Văn Nhung, cần quan tâm đến việc tạo sự thống nhất đồng thuận, quan hệ hài hòa, tránh các mâu thuẫn, xung đột giữa các thành phần sử dụng tài nguyên biển ở khu vực ven biển Bình Định. Đồng thời, cần phân vùng và thực hiện các giải pháp thí điểm tại một số khu vực cần bảo vệ trọng tâm. Ngoài ra, để đảm bảo duy trì công việc liên quan đến quản lý HST biển, Ban quản lý dự án nên xây dựng, đề xuất cơ chế, mô hình mang tính bền vững, lâu dài.
Tác giả bài viết: VIẾT HIỀN
Ý kiến bạn đọc