Do công tác quản lý, sử dụng đất sản xuất nông nghiệp ở một số địa phương thực hiện chưa tốt nên để xảy ra tình trạng tổ chức, cá nhân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tự ý chuyển đổi đất trồng cây hàng năm sang trồng cây lâm nghiệp, vi phạm các quy định pháp luật về sử dụng đất đai, ảnh hưởng đến Quy hoạch phát triển trồng trọt của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Theo báo cáo của UBND huyện Vân Canh, người dân trên địa bàn huyện đã tự phát trồng keo trên đất trồng cây hàng năm (chủ yếu các loại đất trồng mì, mía) diễn ra khá phổ biến tại 7/8 xã, thị trấn. Đến cuối năm 2016, tổng diện tích đất trồng cây hàng năm chuyển sang trồng keo là 574,74 ha với khoảng 647 hộ dân, trong đó có 406 hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Tại huyện Hoài Nhơn, người dân đã tự ý trồng cây lâm nghiệp trên 132 ha đất trồng cây hàng năm và một số loại đất khác ngoài đất rừng, và có chiều hướng gia tăng, làm ảnh hưởng cho người sử dụng đất liền kề và cộng đồng sản xuất cây hàng năm trong vùng, phá vỡ quy hoạch sử dụng đất.
Theo báo cáo của UBND huyện Hoài Nhơn, để ngăn chặn kịp thời các trường hợp vi phạm, huyện đã chỉ đạo chủ tịch UBND các xã, thị trấn thực hiện trách nhiệm về quản lý đất đai theo quy định tại khoản 2 Điều 208 Luật Đất đai năm 2013. Tuy nhiên, tình trạng nêu trên vẫn diễn ra, chưa được giải quyết triệt để, vì theo quy định tại Nghị định số 102/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai không có quy định về hành vi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây hàng năm sang cây lâm nghiệp. Do đó, không có căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính, buộc khắc phục hậu quả.
Tại huyện Vân Canh, khi phát hiện việc người dân tự phát trồng keo trên đất sản xuất cây hàng năm, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng ban chức năng của huyện và UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý. Nhưng việc xử phạt không thể ngăn chặn được tình trạng nói trên, do đó địa phương gặp nhiều lúng túng, rất khó xử lý. Theo báo cáo của các địa phương trong huyện, diện tích đất người dân trồng keo chủ yếu là đất trước đó trồng mì, mía, nhưng trong các năm qua, các loại cây trồng nêu trên không hiệu quả kinh tế, nhiều hộ dân đã bỏ hoang đất.
Sau khi UBND huyện chỉ đạo các địa phương quán triệt, hướng dẫn bà con không trồng keo trên đất trồng cây hàng năm thì người dân yêu cầu chính quyền địa phương, nếu không cho dân trồng keo thì cần hướng dẫn loại cây trồng nào mang lại hiệu quả kinh tế, nhưng địa phương cũng lúng túng, chưa biết định hướng trồng loại cây gì hiệu quả hơn cây keo.
Tác giả bài viết: ÐINH VĂN TOẠI
Ý kiến bạn đọc