Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Nhằm tăng hiệu quả sản xuất trong điều kiện ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH), trong năm 2017, ngành Nông nghiệp tỉnh đã vận động bà con nông dân chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa với diện tích 3.018 ha. Trong đó, chuyển từ đất lúa sang trồng bắp 582,5 ha, đậu phụng 1.148 ha, rau các loại 715 ha, mè 279 ha, trồng cỏ chăn nuôi 170 ha… Các địa phương có diện tích chuyển đổi lớn gồm Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Phù Cát, Hoài Ân, Tuy Phước… Qua đó đã góp phần tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Nhiều mô hình, công thức luân canh cây trồng cạn trên đất lúa đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, phá thế độc canh cây lúa, góp phần tiết kiệm nước tưới, cải tạo đất đai, bảo vệ môi trường sinh thái…
Điển hình trong việc chuyển đổi cây trồng cạn mang lại hiệu quả kinh tế cao như xã Cát Hải (huyện Phù Cát), nông dân đã chuyển đổi 340 ha đất từ sản xuất 1 vụ lúa bấp bênh sang sản xuất 1 vụ đậu phụng - 2 vụ hành/năm, mang lại thu nhập 150 - 180 triệu đồng/ha/năm. Nông dân xã Cát Tài (Phù Cát) chuyển đổi 874 ha đất sản xuất lúa sang luân canh đậu phụng xen ớt - bắp lai - mè- rau xanh cho thu nhập 120 - 150 triệu đồng/ha/năm. Nông dân xã Phước Hiệp (Tuy Phước) áp dụng mô hình luân canh đậu phụng - dưa leo - khổ qua hoặc đậu phụng - hành - dưa leo cho thu nhập 150 triệu đồng/ha/năm…
Ông Vũ Quốc Bảo, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, cho hay: Để thay đổi tập quán sản xuất của nông dân là vấn đề không đơn giản, nhưng với hiệu quả vượt trội từ các mô hình chuyển đổi sản xuất, bà con đã từng bước phá thế độc canh cây lúa, ngày càng mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Từ đó đã bước đầu hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tạo ra được sản phẩm hàng hóa, như vùng chuyên canh cây đậu phụng xen mì ở các xã: Cát Hiệp, Cát Lâm, Cát Sơn, Cát Trinh, Cát Hanh; vùng sản xuất ớt ở Cát Tài, Cát Hanh, Cát Lâm, Cát Sơn; vùng sản xuất hành ở Cát Hải...
Theo ngành Nông nghiệp tỉnh, hiệu quả chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa trong các năm qua đã được khẳng định là hướng đi đúng. Do vậy, chủ trương của ngành trong các năm tiếp theo sẽ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất sản xuất lúa bấp bênh nguồn nước tưới, kém hiệu quả. Đây cũng là nội dung chính của Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Theo ông Đào Văn Hùng, trong vụ Đông Xuân 2017 - 2018, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa với diện tích 941 ha, trong đó, chuyển đổi đất lúa sang trồng bắp 125 ha, đậu phụng 375 ha, rau các loại 283 ha, cây gia vị 57 ha, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi 70 ha… Các địa phương có diện tích sẽ chuyển đổi lớn trong vụ Đông Xuân tới gồm: Phù Mỹ 400 ha, Phù Cát 250 ha, Hoài Ân 150 ha, Vân Canh 70 ha, Tây Sơn 65 ha…
“Giải pháp đề ra trong thực hiện chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa trong vụ Đông Xuân là xác định các loại cây trồng cạn phù hợp với từng vùng, từng địa phương; đảm bảo các tiêu chuẩn nông sản sạch; có triển vọng về thị trường…”, ông Hùng nhấn mạnh.
Tác giả bài viết: NGUYỄN HÂN
Ý kiến bạn đọc