Rừng được bảo vệ tốt hơn
Theo Quỹ Bảo vệ, phát triển rừng (BV-PTR) thuộc Sở NN&PTNT, đến nay, tỉnh ta đã có 5 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Hàng năm, tổng số tiền DVMTR do đơn vị thu được thông qua Quỹ BV-PTR Việt Nam điều phối lại và thu nội tỉnh từ các nhà máy thủy điện trên địa bàn khoảng 4,5 tỉ đồng. Qua đó, đơn vị giải ngân 85% số tiền thu được cho các chủ rừng có diện tích rừng thuộc các lưu vực thủy điện như Vĩnh Sơn - Sông Hinh, Định Bình, Ba Hạ, An Khê - Ka Nak, Văn Phong, Tiên Thuận... Riêng năm 2017, diện tích rừng được Quỹ chi trả DVMTR cho người dân quản lý, bảo vệ trên địa bàn tỉnh lên đến 170 ngàn ha. Bình quân mỗi hộ gia đình nhận giao khoán quản lý, bảo vệ rừng được hỗ trợ từ 300 - 400 ngàn đồng/ha/năm.
Ông Nguyễn Đức Chiến, Phó Giám đốc phụ trách Quỹ BV-PTR, đánh giá: Nhờ làm tốt dịch vụ chi trả DVMTR, thời gian qua, số vụ vi phạm về quản lý bảo vệ rừng, khai thác lâm sản, săn bắt động vật hoang dã ở tỉnh ta đã giảm mạnh cả về số vụ và mức độ vi phạm; số vụ cháy rừng cũng giảm mạnh.
Theo ông Chiến, việc thực thi chính sách chi trả DVMTR theo Nghị định 99/CP của Chính phủ cũng đã hỗ trợ Ban quản lý rừng phòng hộ các địa phương, các công ty lâm nghiệp bảo vệ tốt hơn diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng tự nhiên tại các địa phương trong tỉnh. Qua đó, giảm thiểu mất rừng, suy thoái rừng và nâng cao khả năng phòng hộ của rừng, đảm bảo cân bằng sinh thái giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Thêm thu nhập cho người dân
Chẳng hạn ở xã vùng cao Vĩnh Sơn trước đây từng là điểm nóng phá rừng của huyện Vĩnh Thạnh. Tuy nhiên, từ khi chính sách chi trả DVMTR được triển khai ở địa phương, các hộ dân dần ý thức hơn trong việc giữ gìn, bảo vệ rừng. Toàn xã hiện có 289 hộ tham gia nhận khoán 2.900 ha rừng và được hưởng kinh phí từ chính sách này. Riêng ở làng K3, xã Vĩnh Sơn có 51 hộ nhận khoán gần 567 ha rừng và được chi trả DVMTR với mức 400 ngàn đồng/ha/năm. Màu xanh ngút ngàn của cánh rừng phòng hộ đầu nguồn nơi đây cho thấy tính hiệu quả từ chính sách này.
Ông Đinh Khánh, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn, cho rằng: Nhờ việc giao khoán từ chính sách DVMTR mà người dân ở xã ai cũng hiểu việc giữ rừng góp phần để cuộc sống được bình yên. Ngoài tuân thủ nghiêm Luật BV-PTR, bà con còn xây dựng hương ước giữ rừng riêng tại địa phương, như tuyệt đối không được đốt phá rừng làm rẫy, thành lập các tổ phòng cháy chữa cháy rừng để kịp thời dập tắt các đám cháy rừng xảy ra. Các hộ còn đoàn kết, thành lập các nhóm gia đình từ 5 - 7 hộ luân phiên tổ chức tuần tra, canh gác để giữ rừng.
Ông Trần Phước Phi, Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh, cho rằng: 1.760 hộ nhận khoán quản lý bảo vệ với diện tích rừng trên 19.000 ha của đơn vị đều được hưởng chính sách DVMTR và diện tích rừng được bảo vệ nghiêm ngặt, giảm thiểu thiệt hại.
Ông Võ Văn Cường, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Côn, cho biết: Năm 2017, Quỹ BV-PTR tỉnh đã hỗ trợ Công ty kinh phí để giao khoán cho 367 hộ dân nhận quản lý bảo vệ rừng đầu nguồn ở lưu vực thủy điện Trà Xom, Định Bình với diện tích gần 3.200 ha. Nhờ đẩy mạnh việc giao khoán, 5 năm qua, công ty không phát hiện vụ phá rừng nào lớn trên diện tích rừng được giao khoán.
Đánh giá về hiệu quả từ chính sách trên, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, nhận xét: Từ khi thực hiện chính sách DVMTR, các ban quản lý rừng phòng hộ, chính quyền các cấp trong tỉnh đã yên tâm hơn khi rừng được giao đến từng hộ gia đình. Việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR cũng góp phần tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho hàng ngàn hộ gia đình, giúp cho việc quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn toàn tỉnh hiệu quả hơn, tạo cơ hội gắn kết giữa nhóm hộ gia đình với chính quyền địa phương và nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ rừng.
Tác giả bài viết: TRỌNG LỢI
Ý kiến bạn đọc