Kỹ sư Võ Trùng Dương, Phó trưởng Trạm Khuyến nông huyện Tuy Phước, cho biết: “Trước kia, nông dân các địa phương trong huyện nuôi bò cỏ, năng suất, sản lượng thịt không cao. Vài năm trở lại đây, bà con đã chủ động nuôi thâm canh các giống bò lai chuyên thịt chất lượng cao như Red Angus, BBB… Huyện cũng tạo điều kiện hỗ trợ xây dựng các mô hình chăn nuôi bò thịt, đem lại hiệu quả thiết thực, nâng cao hiệu quả chăn nuôi”.
Phước An là một trong những địa phương phát triển mạnh nghề chăn nuôi bò vỗ béo nhốt tại chuồng, nuôi bò lai sinh sản... Từ vài hộ nuôi nhỏ lẻ ban đầu, đến nay, nghề này đã phát triển rộng khắp trên địa bàn xã. Hiện tổng đàn bò toàn xã gần 4.000 con, trong đó bò lai chiếm 70% tổng đàn.
Ông Lê Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước An, cho hay: “Đàn bò trong xã có số lượng nhiều nhất so với các xã khác trong huyện. Với lợi thế đồng cỏ trên 100 ha, nghề chăn nuôi bò vỗ béo phát triển mạnh thành ngành kinh tế chủ lực ở địa phương, đem lại thu nhập từ 60 - 70 triệu đồng/hộ/năm, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống người dân”.
Ngoài nguồn thức ăn từ rơm, rạ có sẵn, nông dân còn trồng thêm cỏ, kết hợp với thức ăn hỗn hợp như cám, xác bia, thức ăn tinh… nên chi phí giảm đáng kể, gia tăng hiệu quả chăn nuôi. “Mỗi năm tôi nuôi 3 lứa, mỗi lứa từ 7 - 10 con bò, khoảng 4 tháng là xuất bán. Tôi mua giống bò lai đã trưởng thành 18 tháng tuổi về nuôi, trồng 0,5 ha cỏ làm thức ăn cho bò để giảm bớt chi phí. Mỗi năm gia đình tôi thu lãi khoảng 70 triệu đồng từ nghề nuôi bò vỗ béo”, ông Võ Hữu Nhân, ở thôn Đại Hội, xã Phước An, có 10 năm nuôi bò vỗ béo, bộc bạch.
Để nghề chăn nuôi bò thịt phát triển bền vững, năm 2016, huyện Tuy Phước đã ban hành Đề án phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trong nông hộ giai đoạn 2016 - 2020. Theo đề án, đến năm 2020, tổng đàn bò toàn huyện khoảng 16.000 con, bò lai chiếm 80% tổng đàn, bò thịt chất lượng cao chiếm 20% tổng đàn.
Ông Cao Văn Trung - Phó Trưởng phòng NN&PTNT, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Tuy Phước - cho biết: Để thực hiện thắng lợi Đề án phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, huyện đã chỉ đạo Trạm Khuyến nông tập trung hỗ trợ thực hiện các chương trình lai tạo đàn bò; xây dựng và chuyển giao các mô hình trồng cỏ, chế biến phụ phẩm trong nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi; ứng dụng tiến bộ KHKT, xây dựng chuỗi liên kết trong phát triển chăn nuôi bò thịt, trên cơ sở đó nâng cao chất lượng đàn bò thịt, gia tăng hiệu quả chăn nuôi, tăng thu nhập cho người dân.
Tác giả bài viết: NGỌC NHUẬN
Ý kiến bạn đọc